|

Suy nghĩ về các dự báo “Giá cà phê”

Dự báo về giá cà phê hiện nay không chỉ là mối quan tâm dành cho các nhà kinh tế vĩ mô, các công ty kinh doanh xuyên quốc gia mà là của tất cả những ai có cuộc sống gắn liền với hạt cà phê, trong đó đặc biệt là cộng đồng Y5Cafe. Ban Biên tập xin mời bà con cùng suy nghĩ với ý kiến của anh Lê@, một tác giả quen thuộc của những người nông dân cà phê.

Arabica 2009 chín bói Suy nghĩ về các dự báo Giá cà phê
Cây cà phê Arabica 2009 đang chín bói lứa quả đầu (Ảnh – Bolofarm)

 Có nhiều dự báo về giá cà phê

 Thời gian gần đây, cộng đồng Y5Cafe được đọc nhiều bài viết về thông tin dự báo giá cà phê, như bài “Thị trường cà phê dậy sóng” của tác giả Nguyễn Quang Bình đăng trên The Saigontimes, bài “Đợt tăng giá cà phê Robusta sắp kết thúc” theo nhận xét của Keith Flury chuyên gia phân tích của Ngân hàng Rabobank, rồi bài “Giá cà phê xu hướng giảm cho đết hết năm” của Rabobank (theo TTVN/Blommberg) … và gần đây có bài “Găm cà phê chờ giá, có lợi không? ” của Công Hoan trên SGGP Online v.v…
Mỗi bài viết có một phân tích riêng, có tác giả phân tích về các yếu tố kỹ thuật của thị trường, có tác giả phân tích theo lượng hàng giao xuống cảng trong tháng 01 và 02/2012 của Việt Nam, có tác giả đánh giá sản lượng tăng… Tất cả các nguyên nhân này đều… làm cho giá cà phê Robusta sẽ giảm nhanh?
Điều chắc rằng độc giả luôn có cái nhìn khách quan, luôn cẩn trọng xem xét, phân tích và đánh giá nội dung của từng bài viết để có thể nhận dạng quan điểm chủ quan của mỗi tác giả. Có tác giả thông tin trung thực, có kinh nghiệm và năng lực phân tích thị trường, song cũng có tác giả viết vì mục đích “…i”. Ví như anh là người đại diện cho công ty nước ngoài, chuyên lo gom cà phê Việt Nam theo lệnh của các ông Tây thì làm sao anh có ý kiến trung thực với người bán? Cũng có tác giả chuyên PR cho một ai đó, cụ thể như cho ông Tổng GĐ nọ kinh doanh thua lỗ triền miên gần mười năm, đã bán hết tài sản của doanh nghiệp nhưng không đủ trả nợ… nhưng báo chí cứ thổi ông lên thành anh hùng, là nhà kinh doanh đạo đức, là bậc vĩ nhân của cà phê Việt. Còn nhà kinh doanh tiền tệ, ai không muốn dòng tiền của mình trôi chảy êm xuôi để sinh lời, nhưng trị trường bị tắt nghẽn thì làm sao không lo tìm cách phá thế bí?
Theo Rabobank thì “Yếu tố cơ bản sẽ trở lại để điều khiển giá chứ không phải do hoạt động đầu cơ”? Nhưng Rabobank không nói rõ yếu tố cơ bản ở đây là yếu tố nào mà điều chỉnh được giá thị trường cà phê xuống mức 1.600 – 1.650 $/tấn? Dĩ nhiên giá cà phê có thể ở mức này hoặc tăng cao, hoặc thậm chí còn thấp hơn, vì chúng ta quá tù mù về giá. Giá cà phê của Việt Nam từ trước đến nay do các nhà đầu cơ bên ngoài định đoạt vì là một thị trường sơ khai, tài chính yếu ớt, thị trường nông sản Việt Nam chưa có một chiến lược định hướng rõ rệt, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thì hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy sống, nông dân buồn còn dài.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện khoảng 1.200.000 tấn/năm và trong khi xu hướng tiêu thụ nội địa của Việt Nam ngày càng tăng cao mà sản lượng của Việt Nam như ông chủ tịch Vicofa tuyên bố là sẽ tụt xuống hạng thứ 4 hoặc thứ 5 của thế giới nếu không thu phí 2$/tấn để Vicofa …“bảo vệ” ?
Rabobank cho rằng, sản lượng cà phê vụ tới của chúng ta đạt 21,5 triệu bao tức là ta sẽ có 1.280.000 tấn? Có nghĩa là vụ tới nông dân Việt nam bội thu? Người nông dân trực tiếp làm ra hạt cà phê phải chịu một nắng hai sương lẽ nào không biết năng suất vườn cà của mình vụ mùa 2012/2013 tới sẽ ra sao ? Toàn vùng Tây Nguyên năm nay phải gánh chịu sự thay đổi thời tiết một cách bất ngờ. Trước và sau Tết âm lịch trời thì cứ lạnh và mưa lại bay bay, hoa cà phê nở thành nhiều đợt, có nơi không thể tưới được đành nhìn nhau mà cười buồn. Ai mà không biết cây cà phê sau khi hái quả cần phải có thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa, hoa sẽ nở tập trung và đậu quả đồng loạt khi tưới đủ nước và bón đủ phân… thì mới mong có năng suất cao. Rồi đây, khi quả cà phê phát triển sẽ có tình trạng rụng quả non do sinh lý tăng trưởng, anh nào mạnh sẽ ép anh yếu đứt cuốn quả. Rõ ràng là vụ mùa năm nay sẽ bị mất sản lượng, bình quân không dưới 10%, có nơi mất đến trên 15 %, thì thử hỏi cà phê đâu ra mà sản lượng lại cao như vậy?

 Găm hàng chờ giá, điều gì sẽ xảy ra?

 Với ý kiến của Công Hoan thì nông dân đang găm hàng chờ giá? Điều này “chỉ đúng một phần nhỏ” vì bài viết đã phân tích chỉ có 30% nông hộ còn giữ hàng, có nghĩa rằng lượng cà phê còn trong dân là khoảng 300.000 tấn, chiếm 30% tổng  sản lượng cà phê XK của Việt Nam. Đồng thời cho rằng, việc găm hàng này không phải là yếu tố điều tiết thị trường là “không chuẩn”, bởi vì năm 2010-2011 Chính Phủ quyết định cho tạm trữ 300.000 tấn thì thị trường cà phê thế giới điều chỉnh ngay. Nếu cho rằng nông dân đang găm hàng chờ giá thì không sai nhưng cũng cần đánh giá rằng nông dân đang làm thay cho Nhà nước về tạm trữ cà phê theo hướng có lợi chung của quốc gia. Thật sự không phải đến bây giờ nông dân mới găm hàng chờ giá, hiện tượng này đã có cách đây hơn mười năm, nhiều hộ dành dụm mỗi năm một ít sau vài ba năm mới bán, nhưng cách tạm trữ của nông dân trước đây bị người khác chiếm đoạt, họ giữ hàng của nông dân và tự bán hết, bán giao xa – bán khống… Nay người nông dân giữ cà phê tại nhà nên các  “thần” chỉ mua ngay bán ngay, do vậy lượng tồn kho trong dân đang có tác dụng tích cực đối với thị trường.
Có cầu ắt có cung, cầu đang tăng mà cung hãm lại, lượng hàng giao theo kỳ hạn thiếu buộc các nhà kinh doanh cà phê phải “vắt giá”. Theo ICO dự báo, sản lượng cà phê thế giới hiện nay bị sụt, lượng cà phê Robusta đang giao dịch tại London chủ yếu là của Việt Nam mà vụ mùa tới chắc chắn Việt Nam sẽ bị giảm sản lượng. Vụ mùa năm 2010/2011 giá cà phê Robusta trên thị trường London có khi đạt 2800$/tấn, vậy chúng ta sẽ cùng xem điều gì sẽ xảy ra so với các dự báo vừa nêu?
Lê@

Posted by Unknown on 19:29. Filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response

0 nhận xét for "Suy nghĩ về các dự báo “Giá cà phê”"

Leave a reply